Các tiêu chí đánh giá tranh trang trí dành cho bạn
Thưởng thức tranh trang trí bằng cảm tính cá nhân chính là phương pháp tốt nhất giúp bạn cảm nhận cái đẹp của từng tác phẩm.
Đề cao cảm nhận cá nhân nhưng để đánh giá 1 bức tranh có giá trị hay không, người ta thường dựa vào những quy chuẩn tương đối. Trong quyển “Học xem tranh” của chuyên gia Mary Acton đến từ Đại học Oxford có giới thiệu tổng hợp các phương pháp phân tích tranh trang trí. Phương pháp này giúp học viên nhìn và hiểu các đặc tính của mỗi thể loại, mỗi trường phái mỹ thuật khác nhau.
Một số tiêu chí đánh giá tranh trang trí được Waki cập nhật bên dưới, mời bạn cùng tham khảo:
Bố cục
Mỗi bức tranh đều có bố cục cụ thể. Đó là các đường nét kết nối, như đường ngang, đường dọc, đường xiên góc.
Bố cục là cách họa sĩ sắp đặt các chủ thể trong tranh, thêm hay bớt một vài chi tiết nhằm tạo nên hiệu ứng thị giác. Bố cục có thể là các đường dọc của thân cây, tư thế người đứng, hay các đường ngang như chân trời, mắt người, nếp váy áo…. Các đường này so với tổng thể, sẽ tạo ra một tỉ lệ nhất định.
Ví dụ, chủ thể trong tranh là một cô gái đang ngồi, so với nền, cô gái chiếm 2/3 bức tranh bên phải hoặc bên trái, 1/3 còn lại là khoảng trống hoặc dành cho các chi tiết nền khác. Tùy theo độ gần, xa mà tỉ lệ này có thể thay đổi cho phù hợp.
Tuy nhiên, một số ít bức tranh vẫn có ngoại lệ. Họa sĩ có thể sắp đặt chủ thể theo lối bất cân xứng mà người xem thoạt đầu có thể coi là lộn xộn, nhưng nhìn kỹ sẽ phát hiện ra trật tự riêng của bố cục. Điều này mang đến cho người xem cảm giác thú vị và hưng phấn.
Không gian
Bất kỳ bức tranh nghệ thuật nào cũng có hiệu ứng thị giác. Chủ thể đặt gần hay xa, cao hay thấp, mối quan hệ với không gian ra sao đều có thể diễn tả một cách chi tiết.
Nhiều bức tranh không đơn giản là hình vẽ trên 1 mặt phẳng. Tranh hấp dẫn người xem là tranh mô tả rõ nét về không gian. Ở đó, người xem có cảm giác như mình đứng bên trong khung cảnh đó, bước vào không gian thực một cách sống động.
Để tạo ra chiều sâu về không gian, họa sĩ có thể điều chỉnh tỷ lệ giữa người và các đồ vật xuất hiện trong khung ảnh. Điều chỉnh vị trí chủ thể ở trong hay ở ngoài ngôi nhà, trước hay sau những đồ vật khác. Một số tranh thời Phục Hưng còn sử dụng màu xanh dương để tạo hiệu ứng không khí, mây trời.
Người xem nên đặt mình vào vị trí chủ thể, từ đó cảm nhận cách bố trí nền của họa sĩ đã hợp lý chưa, không gian đó nhỏ hơn hay lớn hơn so với góc nhìn thông thường.
Hình thể
Để đánh giá hình thể, bạn hãy nhìn vào tranh và cảm nhận về không gian 3 chiều. Hình khối hay còn gọi là họa hình – plastic – lên mặt phẳng. Đó có thể chiều của ánh sáng rọi đến chủ thể từ phía trước, bóng ngả về phía sau hoặc chủ thể đang đứng ở góc 45 độ, độ lớn nhỏ của nửa người trái và nửa người phải sẽ khác nhau.
Để tạo nên hình khối, họa sĩ thường sử dụng gam màu trắng, đen để thể hiện chiều sâu. Sáng là góc nhìn trực diện, tối là vùng bóng hoặc vùng nằm phía sau chủ thể.
Độ sáng, tối
Mặc dù trong các tiêu chí trên đã đề cập đến độ sáng và tối, nhưng khi thưởng tranh, ta cần đặt câu hỏi khi nhìn tổng thể thì độ sáng tối có giữ vai trò gì trong những tác động của tranh lên cảm giác của chúng ta hay không, vì có khi chính độ sáng tối là chủ đề chính của bức tranh.
Nhiều bức tranh thành công bằng việc sử dụng gam màu đối lập, gam màu chủ đạo là trắng và đen, tượng trưng cho 2 mặt sáng và tối. Họa sĩ có thể chọn vẽ người sáng trên nền tối hoặc người tối trên nền sáng. Mỗi bức tranh sẽ mang những hàm ý khác nhau, cho người xem cảm nhận khác nhau.
Màu sắc
Mỗi trường phái nghệ thuật đều có những quy tắc vận dụng màu sắc khác nhau khi vẽ. Màu sắc không chỉ để thể hiện chủ thể, mà còn thể hiện cảm xúc hoặc thiết lập một hệ tư duy logic. Màu sắc trong tranh có thể theo lý thuyết màu vật lý đối với trường phái kỹ thuật, lý thuyết màu cảm xúc đối với trường phái cảm xúc.
Chủ đề – thông điệp
Một bức tranh đẹp là tranh truyền tải thông điệp. Nhìn vào đó, người xem có thể dễ dàng nhận ra chủ đề và ý nghĩa của bức tranh. Cao hơn, người xem phải chiêm nghiệm mới có thể cảm thụ hết giá trị ẩn chứa bên trong nó.
Nhiều bức tranh trang trí vẽ cảnh đời thường nhưng hàm ý các vấn đề đạo đức của thời đại, hay thể hiện lại trí tưởng tượng từng được ghi nhận qua văn thơ, truyện truyền khẩu. Nhiều họa sĩ vẽ tranh với tư duy trừu tượng của chính họ, không phải ai cũng có khả năng cảm thụ.
Tổng quát
Từ những tiêu chí cụ thể, người xem tranh có thể tự tổng hợp và cảm nhận tranh theo hệ tư duy của chính mình.
Sau khi đã tôi luyện và xây dựng được hệ mỹ quan riêng, bạn có thể tư duy cao cấp hơn, sáng tạo và xây dựng nên các nguyên lý mới, tiêu chí mới để nâng tầm giá trị của tranh và thỏa mãn óc thẩm mỹ của bản thân.
Mỗi người sẽ có những hệ mỹ quan riêng, bạn có thể nhìn ra bức tranh có những điều đặc biệt nhưng người khác lại không. Do đó, một bức tranh có thể khiến bạn bỏ ra hàng triệu đô để mua nhưng đối với người khác, nó hoàn toàn không có ích. Thế giới tranh rộng lớn nên đừng buộc bản thân phải cảm nhận theo cách nhìn của người khác.
Waki- Thế giới tranh canvas